Cấu tạo đĩa đệm thắt lưng
Cột sống của mỗi người chúng ta được tạo thành từ một loạt các đốt sống xếp chồng lên nhau. Theo thứ tự từ trên xuống dưới, cột sống bao gồm 7 xương ở cột sống cổ, 12 xương ở cột sống ngực và 5 xương ở cột sống thắt lưng, tiếp theo là xương cùng và xương cụt ở đáy. Các xương này được lót bởi các đĩa đệm. Đĩa đệm bảo vệ xương bằng cách hấp thụ chấn động từ các hoạt động hàng ngày như đi bộ, nâng và vặn người…
Đĩa đệm cột sống có cấu tạo gồm 3 phần chính: nhân nhầy, vòng sợi và mỏm sụn. Trong đó, cột sống thắt lưng có tất cả 5 đĩa đệm nằm giữa các thân đốt sống và có các chức năng chính như:
- Phân phối tải trọng nén đặt lên cột sống, cung cấp các đặc tính hấp thụ sốc
- Duy trì khoảng cách giữa các thân đốt sống trong quá trình vận động
- Cung cấp sự linh hoạt cho cột sống và ngăn ngừa các cử động quá mức
- Tạo và duy trì đường cong hình chữ C ngược của cột sống thắt lưng
Do đặc điểm phải thích nghi với những áp lớn, chấn động mạnh nhưng lại được nuôi dưỡng chủ yếu bằng cách thẩm thấu máu nên các đĩa đệm này dễ bị loạn dưỡng, thoái hóa tổ chức và gây nên các vấn đề về thoát vị đĩa đệm lưng.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là tình trạng thường xảy ra ở nam giới, trong độ tuổi từ 35-50, người có đặc điểm nghề nghiệp phải mang vác nặng, người ngồi nhiều và lệch tư thế, sinh hoạt sai tư thế… Song song đó, tình trạng này sẽ trầm trọng hơn theo tuổi tác với sự thoái hóa chung của cơ thể.
Đây là tình trạng đĩa đệm cột sống thắt lưng không thể đảm đương vai trò giảm xóc, nâng đỡ phần trên, cho phép cơ thể di chuyển theo mọi hướng do nguyên nhân thoát vị và rò rỉ một số vật chất bên trong, đứt hoặc rách vòng sợi…
Thông thường, các vị trí dễ bị thoát vị đĩa đệm lưng chính là đốt sống L4 – L5 và L5 – S1. Nguyên nhân được giải thích là do 2 đĩa đệm này nằm ở vị trí mang tính bản lề của cột sống.
Các mức độ thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Tùy theo tình trạng bệnh, biểu hiện và những tác động lên bệnh nhân mà các chuyên gia chia thoát vị đĩa đệm ra làm 4 cấp độ gồm:
- Cấp độ 1: Nhân nhầy bên trong đã biến dạng một cách đáng kể làm phát sinh tình trạng phình và lồi đĩa đệm. Lúc này các lớp bao xơ vẫn chưa bị nứt rách nên triệu chứng chưa thật rõ ràng. Vì thế, bệnh nhân thường dễ bị nhầm thoát vị đĩa đệm lưng với các bệnh lý khác nên không quan tâm hoặc chữa trị không đúng cách.
- Cấp độ 2: Ở cấp độ này, tuy nhân nhầy vẫn còn nằm trong bao xơ, nhưng các vùng bao bọc bên ngoài đã có dấu hiệu suy yếu và gây chèn ép dây thần kinh. Bệnh nhân có những cơn đau vùng thắt lưng một cách rõ ràng hơn ở giai đoạn 1.
- Cấp độ 3: Đĩa đệm của bệnh nhân ở giai đoạn này bắt đầu bị thoát vị. Phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài do bao xơ đã bị rách. Xuất phát từ nguyên nhân nhân nhầy thoát ra gây chèn ép thần kinh nên người bệnh sẽ rất đau nhức, đặc biệt là ở khu vực cột sống bị tổn thương.
- Cấp độ 4: Tình trạng thoát vị có xu hướng ngày một tăng nặng. Chính vì thế, nếu không được can thiệp kịp thời, khu vực thoát vị sẽ ngày một lan rộng. Nhân nhầy đĩa đệm tách khỏi bao cơ, xuất hiện kèm các mảnh rời. Người bệnh ở giai đoạn này rất đau đớn và nghiêm trọng nhất là biểu hiện bị liệt nửa người.
Lưu ý: Các cấp độ của thoát vị đĩa đệm thắt lưng có thể không diễn ra theo từng giai đoạn, mà tiến triển đột biến, nhất là khi người bệnh bị tác động bởi một yếu tố nào đó đến từ bên ngoài.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm L4-L5, L5-S1
Các cơn đau do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể xảy ra đột ngột, nhưng thông thường là kết quả của một quá trình, diễn ra trong nhiều tháng, nhiều năm sinh sống, học tập, làm việc.
Ban đầu, đĩa đệm cột sống của mỗi người có hàm lượng nước cao nên rất dẻo dai. Theo thời gian, như một phần của quá trình lão hóa bình thường, các đĩa đệm bắt đầu khô đi. Điều này làm cho vòng ngoài cứng chắc của đĩa trở nên giòn hơn, dễ bị nứt và rách do các chuyển động tương đối nhẹ, chẳng hạn như khi bạn cúi nhặt một túi hàng, vặn lưng dưới khi vung gậy đánh gôn hoặc đơn giản là xoay người để lên xe…
Một nguyên nhân ít phổ biến hơn của đĩa đệm thoát vị thắt lưng là do chấn thương, chẳng hạn như ngã hoặc tai nạn xe hơi. Chấn thương có thể gây áp lực lên đĩa đệm ở lưng dưới khiến nó bị thoát vị.
Ngoài nguyên nhân thường gặp là thoái hóa và chấn thương, thoát vị đĩa đệm ở thắt lưng còn bao gồm các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh bao gồm:
- Tuổi tác: Yếu tố nguy cơ phổ biến nhất là tuổi tác. Người thuộc độ tuổi lao động từ 35 – 50 rất dễ mắc bệnh. Tình trạng này hiếm khi gây ra các triệu chứng cho người sau 80 tuổi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cao gấp đôi so với nữ giới.
- Công việc nặng nhọc: Các công việc đòi hỏi phải nâng nặng và lao động thể chất cũng có liên quan đến nguy cơ phát triển thoát vị đĩa đệm lưng. Các hành động kéo, đẩy và vặn có thể thêm rủi ro nếu chúng được thực hiện nhiều lần.
- Béo phì: Cân nặng vượt chuẩn là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề ở đĩa đệm lưng. Đồng thời, tình trạng này cũng làm tăng gấp 12 lần khả năng bị tái phát, sau một cuộc phẫu thuật cắt bỏ vi mô. Bởi lẽ, các chuyên gia cho rằng việc gánh thêm một khối lượng đáng kể sẽ gây áp lực lên cột sống thắt lưng và đây là nguyên nhân người béo phì dễ bị thoát vị.
- Thuốc lá: Nicotine có trong thuốc lá làm hạn chế lưu lượng máu đến đĩa đệm cột sống, khiến cho tốc độ thoái hóa đĩa đệm tăng lên và đồng thời cản trở quá trình chữa lành tổn thương. Đây là nguyên nhân khiến đĩa đệm dễ bị thoái hóa, các bao cơ dễ bị rách hoặc nứt dẫn đến thoát vị.
- Yếu tố gia đình: Một số tài liệu y khoa đã chứng minh rằng, yếu tố di truyền có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị thoát vị. Vì thế, người có người thân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng chính là yếu tố dự báo về tình trạng thoát vị của bản thân trong tương lai.
Các triệu chứng thường gặp
Đĩa đệm bị trượt sẽ chèn ép hoặc làm viêm dây thần kinh gần đó, tạo nên cơn đau lan tỏa dọc theo chiều dài của dây thần kinh. Xuất phát từ đặc điểm này mà bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm ở lưng thường có các dấu hiệu như:
- Đau chân: Mức độ đau chân của người bị trượt đĩa đệm lưng thường nặng hơn đau thắt lưng. Trong đó, nếu cơn đau lan tỏa dọc theo đường đi của dây thần kinh lớn ở mặt sau của chân được gọi là đau thần kinh tọa.
- Đau dây thần kinh: Các triệu chứng đáng chú ý nhất thường được mô tả chính là đau dây thần kinh ở chân. Tính chất của các cơn đau được mô tả là đau buốt, buốt, như có điện, lan tỏa hoặc xuyên qua.
- Vị trí đau không cố định: Tùy thuộc vào sự khác biệt của nơi thoát vị đĩa đệm và mức độ thoát vị mà các biểu hiện của bệnh có thể gặp là đau lưng dưới, đau lưng dưới gần mông, mặt trước hoặc mặt sau của đùi, bắp chân, bàn chân và/hoặc ngón chân. Thông thường, tình trạng đau chỉ ảnh hưởng đến một bên người.
- Các triệu chứng thần kinh: Người bị thoát vị đĩa đệm có thể bị tê bì chân tay, cảm giác nhói như kim châm, yếu và/hoặc ngứa ran ở chân, bàn chân và/hoặc ngón chân.
- Thả chân hay rũ chân: Triệu chứng thần kinh do thoát vị đĩa đệm có thể bao gồm khó nhấc chân khi đi bộ hoặc đứng trên bàn chân.
Các phương pháp chẩn đoán
Thăm khám lâm sàng là một trong những phương pháp rất quan trọng để đánh giá tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thường bao gồm quan sát bệnh nhân uốn và duỗi, điển hình như:
- Kiểm tra thần kinh: Để xác định xem bệnh nhân có vấn đề về thần kinh hay không, bác sĩ thường tìm các dấu hiệu mất cảm giác chẳng hạn như tê và yếu ở chân, bàn chân. Bệnh nhân có thể được yêu cầu đi lại và kiễng chân để kiểm tra tình trạng được gọi là thả chân, trong đó chú ý các cơ dùng để gập mắt cá chân và ngón chân xem có bị suy yếu hay không. Sức mạnh cơ bắp và phản xạ ở các khu vực khác cũng có thể được kiểm tra.
- Phạm vi kiểm tra chuyển động: Bệnh nhân có thể được yêu cầu nghiêng người về phía trước, phía sau và uốn cong từ bên này sang bên kia.
- Kiểm tra nâng cao chân: Một động tác căng cơ phổ biến để kiểm tra thoát vị đĩa đệm là bài kiểm tra nâng thẳng chân hay còn gọi là bài kiểm tra LaSegue. Đối với cách kiểm tra này, bệnh nhân nằm ngửa và bác sĩ nhẹ nhàng nâng chân bị ảnh hưởng lên cho đến khi cảm thấy đau. Nếu cơn đau xuất hiện khi nâng chân lên một góc 30-70 độ thì được coi là dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm lưng. Nếu việc nâng cao chân không bị ảnh hưởng, điều đó cho thấy rễ thần kinh đang bị cản trở hoặc bị kích thích. Các biến thể của các động tác duỗi này bao gồm thực hiện bài kiểm tra tư thế ngồi hoặc bắt chéo chân.
- Kiểm tra các dấu hiệu quan trọng: Nhịp tim hoặc huyết áp tăng có thể là dấu hiệu của cơn đau và nhiệt độ tăng cao có thể là dấu hiệu của sự nhiễm trùng.
- Kiểm tra dáng đi: Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân đi để quan sát xem có khó khăn khi đi lại, đi chậm do đau hay dáng đi bất thường hay không.
- Khám vùng cột sống thắt lưng: Nếu bệnh nhân bị viêm ở cột sống thắt lưng, vùng da tương ứng có thể có biểu hiện bất thường hoặc nhạy cảm khi chạm vào.
Lưu ý: Nếu bác sĩ nhận thấy tình trạng bệnh nhân ổn định, cơn đau không nghiêm trọng và không có chấn thương thì có thể không cần thiết phải kiểm tra hình ảnh vào thời điểm này. Một số bác sĩ sẽ để bệnh nhân chờ xem liệu các triệu chứng có biến mất trong vòng 6 tuần hay không, bởi điều này thường xảy ra với rất nhiều người bệnh.
Bên cạnh các phương pháp thăm khám lâm sàng, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cho tình trạng thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Dưới đây là những chẩn đoán hình ảnh điển hình được sử dụng để phát hiện thoát vị đĩa đệm:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây được xem là phương tiện cung cấp những đánh giá chính xác nhất về vùng cột sống thắt lưng, giúp xác định vị trí thoát vị đã xảy ra và dây thần kinh bị ảnh hưởng. Thông thường, chụp MRI được chỉ định để hỗ trợ cho việc lập kế hoạch phẫu thuật.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Phương pháp này được áp dụng khi bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị thoát vị đĩa đệm, nhưng không thể chụp MRI (do có dị vật kim khí trong cơ thể… ).
- Chụp X-quang: Chỉ định này chủ yếu được sử dụng để loại trừ các vấn đề như gãy xương, bất thường về xương, nhiễm trùng, khối u hoặc các vấn đề về sự liên kết của cột sống. Với X-quang cột sống, người ta thường chụp hai tư thế thẳng và nghiêng để thấy được tam chứng Barr gồm: Lệch vẹo cột sống trên phim thẳng; Giảm chiều cao gian đốt sống; Giảm ưỡn cột sống ở phim nghiêng.
- CT tủy đồ: Phương pháp này thực hiện chụp cắt lớp vi tính sử dụng thuốc cản quang trong dịch tủy sống để xác định kích thước và vị trí của thoát vị, nhưng có thể xâm lấn.
- Điện cơ (EMG) được sử dụng để nghiên cứu phản ứng điện của thần kinh và cơ hoặc đánh giá sự mất phân bố thần kinh của cơ. Kỹ thuật này được sử dụng trong thăm khám và chẩn đoán bệnh giúp xác định những tổn thương thần kinh cục bộ hoặc do chèn ép.
Phương pháp điều trị
Theo các chuyên gia về bệnh lý cơ xương khớp, không phải vấn đề về thoát vị đĩa đệm nào cũng cần được can thiệp ngoại khoa. Vì thế, bệnh nhân thường được hướng dẫn điều trị nội khoa bằng cách kiểm soát các cơn đau ban đầu, bao gồm:
- Chườm đá hoặc chườm lạnh: Cách này có thể giúp giảm bớt tình trạng viêm ban đầu và co thắt cơ liên quan đến thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Thông thường, chườm đá có hiệu quả nhất trong 48 giờ đầu tiên sau khi cơn đau lưng bắt đầu.
- Thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen để điều trị đau và viêm.
- Thuốc giãn cơ: Co thắt cơ có thể đi kèm với đĩa đệm thoát vị thắt lưng. Vì thế, các loại thuốc kê đơn này có thể giúp giảm các cơn đau do co thắt để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
- Liệu pháp nhiệt: Chườm nóng cũng có thể giúp giảm đau co thắt cơ sau 48 giờ đầu tiên. Bệnh nhân có thể dùng đệm sưởi ấm, khăn nóng, tắm nước nóng đều được.
- Xen kẽ chườm nóng và lạnh: Một số người nhận thấy chườm nóng và lạnh xen kẽ giúp giảm đau tốt hơn.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn: Đối với những cơn đau dữ dội, tốt nhất là người bệnh nên giới hạn vận động trong một hoặc hai ngày.Tuy nhiên, cũng không nên nằm quá lâu vì nếu nằm lâu sẽ dẫn đến cứng khớp và đau nhiều hơn. Sau khi bớt đau nên hoạt động nhẹ và vận động thường xuyên, nghỉ ngơi khi cần.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể bổ sung các liệu pháp dưới đây cho người bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nhằm giúp giảm đau lâu dài hơn:
- Vật lý trị liệu: Các bài tập thoát vị đĩa đệm như kéo giãn cơ lưng có tác dụng phục hồi chức năng khá an toàn cho người bệnh, nhất là khi thực hiện những động tác thông thường như nâng và đi bộ.
- Tiêm thuốc steroid ngoài màng cứng: Phương pháp này nhằm mục tiêu giúp giảm đau tạm thời để bệnh nhân có thể tuân thủ các biện pháp phục hồi chức năng.
- Nắn chỉnh cột sống: Các bác sĩ sẽ tiến hành thao tác nắn khớp xương, xương để làm dịu cơn đau của bệnh nhân.
- Châm cứu: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt và xem châm cứu như một phương pháp điều trị đau lưng.
- Liệu pháp hành vi nhận thức: Các chuyên gia trị liệu sẽ giúp người bệnh kiểm soát và thay đổi hành vi để giảm đau.
- Massage: Cách làm này sẽ giúp xoa dịu cơn đau lưng bằng cách tăng cường lưu thông máu, thư giãn cơ và giải phóng endorphin, một chất giảm đau tự nhiên của cơ thể.
Theo đó, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể được khuyến nghị nếu:
- Người bệnh đau dữ dội và gặp khó khăn trong việc duy trì các chức năng hàng ngày như đứng hoặc đi bộ.
- Người bệnh có các triệu chứng thần kinh tiến triển như chân ngày càng yếu và/hoặc tê.
- Mất chức năng ở ruột và bàng quang.
- Thuốc, vật lý trị liệu và/hoặc các phương pháp điều trị nội khoa không làm giảm đáng kể các triệu chứng.
Cách phòng tránh
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể được gây ra do thoái hóa và chấn thương. Ngoài các chấn thương có thể gây ra một cách bất ngờ, còn lại người bệnh vẫn có cách để phòng bệnh bằng cách tuân thủ những lời khuyên sau:
- Duy trì tư thế đúng trong thời gian lao động và sinh hoạt hàng ngày
- Tăng cường vận động tập luyện phù hợp với thể trạng và thời gian biểu
- Kiểm soát cân nặng ở mức tiêu chuẩn
- Sử dụng các công cụ trợ giúp khi mang vác vật nặng
- Xây dựng chế độ ăn uống sinh hoạt dinh dưỡng và khoa học
- Hạn chế sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn và các chất kích thích
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ
Cách chăm sóc người bệnh
Mỗi loại bệnh sẽ có những đặc điểm riêng và vì thế mà người chăm sóc cũng cần phải có những kiến thức nhất định để giúp nâng cao hiệu quả điều trị, nhanh phục hồi nhất là sau khi phẫu thuật. Theo đó, với người bị thoái hóa đĩa đệm cột sống thắt lưng, người chăm sóc cần:
- Chú ý chế độ dinh dưỡng giàu canxi, protein, vitamin D, Omega-3 và chất xơ để thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển, sửa chữa các tổn thương mô mềm, sụn…
- Hỗ trợ vận động nhẹ nhàng, tránh thay đổi tư thế đột ngột và không nên cho người bệnh nằm ở bề mặt không phẳng như sofa, võng…
- Trang bị một số kiến thức nhất định để tập vật lý trị liệu, xoa bóp, giảm đau, tăng cường lưu thông máu để giúp cơ bắp thư giãn, kích thích sản sinh chất nhờn ở các mô sụn.
- Nếu chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật, thân nhân cần chú ý: Nghiêm túc tuân thủ lời dặn của bác sĩ; Cung cấp thực phẩm phù hợp; Hỗ trợ di chuyển để tránh nghiêng người, cúi xuống hay vặn xoắn thắt lưng.