Tôi khỏi Covid-19 đã 4 tuần nhưng vẫn còn tình trạng ù tai, rất khó chịu. Tôi có nên đi khám hay làm gì để cải thiện tình trạng này không?
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Ù tai, nghe kém tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng khiến bệnh nhân khó chịu, suy giảm chất lượng cuộc sống. Thậm chí, nhiều người mô tả bản thân phải chiến đấu với tiếng ù tai không thể chịu nổi sau thời gian mắc Covid-19.
Để khắc phục tình trạng ù tai sau mắc bệnh, người dân nên thực hiện các biện pháp sau:
- Khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để xác định chính xác mức độ bệnh.
- Thư giãn cơ thể bằng thiền, yoga liệu pháp, tắm nước ấm, liệu pháp hương liệu.
- Tập thở sâu, mỗi ngày nhiều lần, mỗi lần 2-5 phút.
- Tập thở từng bên mũi để thư giãn, tập lúc đói. Người bệnh bịt từng bên mũi bằng ngón tay trỏ, sau đó thở ra rồi hít vào bằng lỗ mũi còn lại. Động tác lặp lại luân chuyển từng mũi và kéo dài 15 phút. Bài tập này giúp giảm nhịp tim, ù tai.
- Châm cứu là phương pháp khuyến khích việc chữa lành, hoạt động tự nhiên của cơ thể bằng cách châm những cây kim mỏng tác động nhiệt, xung điện một cách rất chính xác vào các huyệt đạo cụ thể.
- Tâm lý liệu pháp giúp điều chỉnh hành vi, huấn luyện thói quen với tiếng ù, nghe kém trong cuộc sống.
- Sử dụng tiếng ù che lấp bằng cách dùng tai nghe bịt từng bên tai, sử dụng những bản nhạc có âm nền cao, du dương, che lấp từng bên tai, lặp lại nhiều lần, kéo dài mỗi lần 5 phút.
- Tránh tiếp xúc tiếng ồn trong các môi trường như vũ trường, âm thanh của công trường đang làm việc, tiếng máy móc, xe tăng,...
- Sử dụng máy trợ thính nếu có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
- Sử dụng thuốc an thần nhóm amitriptylin liều thấp, đảm bảo giấc ngủ sâu.
Nguồn: Zing.vn